Ngành Bảo vệ thực vật là ngành đào tạo những kiến thức có liên quan đến cây trồng như đất đai, yếu tố môi trường và dịch hại tác động đến cây trồng, từ đó có phương án bảo vệ cây trồng một cách tối ưu nhất.
Trong tình hình hiện nay, tình trạng lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp ngày càng báo động gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, ảnh hưởng người sản xuất và tiềm ẩn nguy cơ tổn hại đến hệ sinh thái nông nghiệp. Chính vì vậy, việc sản xuất bền vững hướng đến nền Nông nghiệp xanh - sạch rất quan trọng. Chương trình đào tạo ngành Bảo vệ thực vật bậc trung cấp được xây dựng để đào tạo cán bộ kỹ thuật có kiến thức và kỹ năng về Bảo vệ thực vật, có thái độ lao động nghiêm túc, có phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp; nắm vững các kiến thức và có kỹ năng thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được đào tạo.
- Học sinh học ngành Bảo vệ thực vật được học những kiến thức cơ bản về giống cây trồng, sinh lý thực vật, dinh dưỡng cây trồng, các phương pháp chăm sóc và bảo vệ các cây trồng chủ lực của vùng.
- Học sinh học ngành Bảo vệ thực vật được trang bị các kiến thức chuyên ngành để có thể nhận diện được các loài dịch hại gây hại cho cây trồng và sự hiện diện của quần thể thiên địch trong điều kiện thực tế từ đó đề xuất các biện pháp quản lý thích hợp nhằm ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây hại.
- Sau khi tốt nghiệp, học sinh có khả năng nắm vững những kiến thức cơ bản một cách có hệ thống và có khả năng thực hành nghề; có tinh thần trách nhiệm trong công việc, có ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong sinh hoạt tốt. Học sinh hiểu những kiến thức cơ bản về cây trồng và biết vận dụng những kiến thức đó vào thực tế, thực hiện được những thao tác về kỹ thuật trồng trọt cơ bản và có khả năng chỉ đạo qui trình sản xuất một số loại cây trồng chủ lực trong vùng. Nhận dạng được sâu bệnh và thiên địch, biết cách điều tra dự báo sâu bệnh trên đồng ruộng, xác định ngưỡng kinh tế và ngưỡng phòng trừ; các biện pháp cần thiết để bảo vệ cây trồng; sử dụng các loại thuốc phòng trừ dịch hại như sâu, bệnh và cỏ dại, đồng thời biết cách tổ chức huấn luyện nông dân về kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Sau khi tốt nghiệp, người học được cấp bằng Trung cấp chuyên nghiệp và có khả năng đảm nhận các công việc kỹ thuật ở các trạm Khuyến Nông, trạm Bảo vệ thực vật, phòng Nông nghiệp, Chi cục BVTV, Nông trường, Trang trại, Hợp tác xã..., hay là nhân viên kỹ thuật, nhân viên kinh doanh cho các loại hình doanh nghiệp có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp.