Ngành Công nghệ thực phẩm là ngành, nghề mà người hành nghề trực tiếp thực hiện tiếp nhận và bảo quản nguyên vật liệu, các vị trí công nghệ trong dây chuyền sản xuất đến tiếp nhận và bảo quản sản phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và quản lý sản xuất để sản xuất các sản phẩm như rượu bia, nước giải khát, đồ hộp, đường, sữa, bánh kẹo, lương thực, sản phẩm thịt, thủy sản, rau quả,...
Ngành Công nghệ thực phẩm đào tạo kiến thức nền tảng, chuyên sâu về hóa học, sinh học; vệ sinh an toàn thực phẩm; nguyên liệu chế biến và quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm; phương pháp chế biến thực phẩm... Nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt, vận hành dây chuyền sản xuất; tổ chức, quản lý (công nghệ, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm) và điều hành sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm.
Ngành Công nghệ thực phẩm là ngành học trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu về qui trình công nghệ chế biến các sản phẩm phổ biến như: thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đóng hộp, lương thực, rau, quả, sữa, sản phẩm truyền thống, rượu bia và nước giải khát; kiến thức về quản lý chất lượng, tiêu chuẩn hóa trong việc tham gia xây dựng, duy trì các thủ tục kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm; Phân tích, đánh giá được chất lượng của nguyên liệu, bán thành phẩm và sản phẩm thành phẩm trong chế biến thực phẩm; nguyên tắc hoạt động, tính năng, công dụng và qui trình vận hành, bảo dưỡng của một số máy móc, thiết bị, dụng cụ thường sử dụng trong chế biến thực phẩm;
Sinh viên được đào tạo các kiến thức như các phương pháp phân tích cơ bản, đặc tính của nguyên liệu trong chế biến và sự biến đổi của các thành phần trong quá trình sản xuất thực phẩm; đặc điểm và hoạt động của một số loại vi sinh vật; Hiện tượng, nguyên nhân gây ra sự hư hỏng nguyên liệu thực phẩm và biết đề ra các biện pháp khắc phục; Các nguyên lý cơ bản, các quá trình cơ bản của quá trình chế biến thực phẩm; Các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình thực hiện các thao tác; nguyên tắc đảm bảo an toàn lao động trong các xí nghiệp chế biến và bảo quản thực phẩm;
Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo ngành Công nghệ thực phẩm bậc cao đẳng, trung cấp, sinh viên có thể làm việc tại một số lĩnh vực sau:
• Các công ty chế biến thực phẩm trong các lĩnh vực như nông sản, súc sản và thủy sản, đồ uống, đường bánh kẹo, sữa và các sản phẩm từ sữa…
• Các cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm, kiểm tra chất lượng sản phẩm cho các xí nghiệp, công ty chế biến thực phẩm, các viện nghiên cứu.
• Các cơ quan quản lý nhà nước về thực phẩm ở địa phương;
• Có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở Trung tâm dạy nghề
Với những lĩnh vực nêu trên, người học có thể công tác tại một số địa điểm sau:
• Công ty Thực phẩm Thủy sản xuất khẩu Cà Mau;
• Công ty Thủy sản Minh Phú;
• Công ty Cổ phần Thủy sản Trung Sơn;
• Công ty Nam Việt;
• Các Công ty Bia;
• Các công ty Đường, Sữa, Bánh keo, Bột ngọt,...
• Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng ở địa phương;
• Các trường Trung cấp, Cao đẳng có đào tạo ngành Công nghệ Thực phẩm;
• Bên cạnh đó, người học còn có khả năng học tập nâng cao trình độ lên đại học liên thông từ trung cấp, cao đẳng chuyên ngành Công nghệ Thực phẩm liên kết với trường Đại học An Giang.